Phụ huynh có thắc mắc vì sao một số trẻ giỏi toán học, một số khác giỏi thể thao, một số khác thể hiện tài năng khi vẽ tranh, đọc sách, hoặc chơi nhạc cụ? Câu trả lời là: vì mỗi đứa trẻ có đam mê và tài năng khác nhau, và trẻ phát triển tài năng ấy theo nhịp độ và cách riêng của mình.
Việc nhận biết và bồi dưỡng thiên hướng tài năng của trẻ đóng vai trò quan trọng để trẻ phát triển toàn diện và hạnh phúc. Tìm hiểu ngay về 8 loại hình thông minh phổ biến và các lưu ý để Phụ huynh bồi dưỡng trí thông minh ở trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
🌟 1. THÔNG MINH NGÔN NGỮ
Trẻ thể hiện khả năng thông qua khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ. Trẻ yêu thích việc đọc sách, trò chuyện, kể chuyện, học ngôn ngữ và chơi các trò chơi về từ vựng.
Phương pháp bồi dưỡng: Hướng dẫn bé nhìn tranh và nói, rèn luyện kỹ năng tư duy, ngôn ngữ. Dạy bé biết chữ bằng đồ vật, bằng thẻ chữ, khuyến khích trẻ giao tiếp với người khác, đồng thời phát triển ngôn ngữ thứ hai của bé (đặc biệt từ giai đoạn 3-6 tuổi).
🌟 2. THÔNG MINH LOGIC
Trẻ thể hiện khả năng tính toán, phân tích thông tin và suy luận nhanh chóng để giải quyết vấn đề. Trẻ thường thích thú với các trò chơi logic và câu đố.
Phương pháp bồi dưỡng: Kết hợp chơi và học, phương pháp giảng dạy Montessori...
🌟 3. THÔNG MINH NHẬN THỨC KHÔNG GIAN
Loại hình thông minh này thể hiện qua khả năng tư duy hình ảnh theo ba chiều không gian. Trẻ yêu thích các hoạt động như vẽ và tô màu, xem bản đồ, giải các câu đố mê cung hoặc chơi các trò chơi lắp ráp, xây dựng.
Phương pháp bồi dưỡng: Để trẻ viết và vẽ theo ý thích hay chơi với các khối hộp, mô hình.
🌟 4. THÔNG MINH ÂM NHẠC
Trẻ có sự nhạy bén với âm thanh, phân biệt được các giai điệu và âm sắc, cũng như dễ dàng ghi nhớ các bài hát. Trẻ thích hát, nghe nhạc, chơi nhạc cụ và sáng tác bài hát.
Phương pháp bồi dưỡng: Để trẻ chơi các trò chơi có âm thanh và tập luyện chơi nhạc cụ (piano, đàn, trống,…)
🌟 5. THÔNG MINH VẬN ĐỘNG
Trẻ thể hiện sự thông minh thể chất thường xuất sắc trong việc nhảy múa, diễn xuất, chơi thể thao, bắt chước các cử chỉ hoặc biểu cảm.
Phương pháp bồi dưỡng: Tùy vào sở thích của trẻ có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vận động như đi bộ, chơi bóng, leo trèo, đi xe đạp,... hoặc các hoạt động nghệ thuật như nhảy múa, diễn kịch.
🌟 6. THÔNG MINH TƯƠNG TÁC XÃ HỘI
Trẻ có khả năng tương tác tốt và giao tiếp với người khác. Trẻ thích giúp đỡ người khác, gặp gỡ người mới, làm việc nhóm và hiểu được cảm xúc của mọi người.
Phương pháp bồi dưỡng: Tạo cơ hội để trẻ tương tác với các bạn cùng độ tuổi, qua đó rèn kỹ năng giao tiếp và phối hợp với bạn bè.
🌟 7. THÔNG MINH TỰ NHẬN THỨC
Trẻ thích làm việc độc lập, đặt ra mục tiêu và tập trung hoàn thành chúng. Trẻ dễ dàng nhận biết và quản lý cảm xúc, hiểu về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.
Phương pháp bồi dưỡng: Tăng cường giao tiếp để lắng nghe, khuyến khích những cảm nhận của trẻ. Tạo cho trẻ không gian và thời gian riêng nếu trẻ thoải mái với điều đó
🌟 8. THÔNG MINH KHÁM PHÁ TỰ NHIÊN
Trẻ thể hiện sự quan tâm và hiểu biết về thế giới tự nhiên, yêu thích các hoạt động như cắm trại, leo núi, chăm sóc động vật, tìm hiểu về các hiện tượng tự nhiên, tái chế và chăm sóc môi trường.
Phương pháp bồi dưỡng: Để trẻ tham gia các hoạt động gần gũi với thiên nhiên như quan sát và khám phá động/thực vật, các hiện tượng tự nhiên, nuôi động vật, trồng cây,…
Trẻ có thể sở hữu một hoặc nhiều loại hình thông minh trong suốt hành trình trưởng thành của mình. Việc bồi dưỡng thiên phú và phát triển trí thông minh ở trẻ đòi hỏi sự nhạy bén và tình yêu thương từ phía người lớn, để giúp trẻ phát triển toàn diện và thành công trong tương lai. Hi vọng bài viết từ IGC đã mang đến các gợi ý để Phụ huynh đồng hành cùng con trên hành trình trưởng thành.