NHẬN DIỆN SỚM CÁC RỐI LOẠN TÂM LÝ PHỔ BIẾN Ở TRẺ
Lượt xem: 451

Các vấn đề sức khỏe tâm lý ở trẻ em đang ngày càng trở nên phổ biến và đáng quan tâm hơn. Những rối loạn như ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý), rối loạn lo âu, trầm cảm và các vấn đề liên quan đến cảm xúc - hành vi không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học tập mà còn tác động lâu dài đến sự phát triển toàn diện của trẻ. 
IGC gửi đến Phụ huynh một vài lưu ý để phần nào nhận diện sớm các rối loạn tâm lý phổ biến ở trẻ 

TÌM HIỂU NHỮNG RỐI LOẠN TÂM LÝ PHỔ BIẾN Ở TRẺ EM 

  • ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý): Trẻ thường gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, dễ xao nhãng, hoạt động quá mức và có những hành vi bốc đồng. Biểu hiện rõ rệt ở môi trường học đường hoặc khi tham gia các hoạt động yêu cầu sự chú ý kéo dài.
  • Rối loạn lo âu: Trẻ có thể thường xuyên cảm thấy sợ hãi, lo lắng quá mức dù không có lý do rõ ràng. Các biểu hiện bao gồm: hay buồn nôn, đau bụng, né tránh giao tiếp, mất ngủ hoặc hay mơ thấy ác mộng.
  • Trầm cảm ở trẻ em: Khác với người lớn, trầm cảm ở trẻ em có thể biểu hiện qua sự cáu gắt, thu mình, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích, ăn ngủ thất thường và có ý nghĩ tiêu cực về bản thân. 
  • Một số rối loạn khác: Rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn phổ tự kỷ,… cũng đang ngày càng được phát hiện nhiều hơn ở trẻ trong độ tuổi học đường. 

BA MẸ CẦN LÀM GÌ KHI NGHI NGỜ CON GẶP KHÓ KHĂN TÂM LÝ? 

Khi phát hiện con mình có dấu hiệu rối loạn tâm lý, ba mẹ có thể lo lắng và bối rối. Tuy nhiên, thay vì hoang mang hoặc tìm cách ép con “bình thường” trở lại, điều quan trọng là ba mẹ có sự bình tĩnh, kiên nhẫn và đồng hành phù hợp. Dưới đây là một số gợi ý Phụ huynh có thể tham khảo: 

  • Lắng nghe và đồng hành cùng con: Khi trẻ có dấu hiệu bất thường về cảm xúc hoặc hành vi, ba mẹ hãy dành thời gian để trò chuyện nhẹ nhàng, tránh phán xét hay so sánh. Chỉ cần lắng nghe một cách chân thành cũng đã giúp trẻ cảm thấy được yêu thương và an toàn. 
  • Tạo môi trường ổn định và tích cực: Hạn chế gây áp lực quá lớn lên trẻ về học tập hoặc thành tích. Đảm bảo trẻ có đủ thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, vận động và tương tác xã hội. Gia đình là nơi chữa lành đầu tiên cho trẻ. 
  • Khuyến khích con bộc lộ cảm xúc: Dạy trẻ cách gọi tên cảm xúc, chia sẻ cảm xúc và bình tĩnh xử lý những tình huống gây căng thẳng. Có thể sử dụng tranh ảnh, trò chơi hoặc các hoạt động sáng tạo để hỗ trợ trẻ thể hiện bản thân. 
  • Không tự chẩn đoán hoặc ép buộc: Mỗi trẻ có một đặc điểm riêng biệt, ba mẹ không nên áp dụng máy móc thông tin từ mạng xã hội hoặc kinh nghiệm người khác để gắn nhãn cho con mình.
  • Chủ động tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia: Nếu ba mẹ cảm thấy lo lắng về tình trạng của con, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý trẻ em, bác sĩ nhi khoa hoặc dịch vụ tham vấn học đường. Việc đánh giá và can thiệp sớm sẽ giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn một cách an toàn và hiệu quả hơn. 

Trẻ em có thể không luôn nói ra được những khó khăn của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là các em không cần được giúp đỡ. Bằng sự quan tâm và sẵn sàng tìm kiếm hỗ trợ chuyên môn, ba mẹ không chỉ nhìn thấy "hành vi" mà hiểu được "thông điệp" mà trẻ đang cố gắng truyền tải.  

IGC mời Quý Phụ huynh tiếp tục theo dõi chuyên mục "Bảo vệ trẻ em" lúc 19h thứ Tư tuần cuối cùng của tháng với nhiều điều bổ ích.    
Nguồn: Tổng hợp (WHO, UNICEF) 

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Gửi nhận xét
GỬI ĐÁNH GIÁ CỦA BẠN
Đánh giá
Gửi