GÓP Ý CHO TRẺ NHƯ THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT HIỆU QUẢ GIÁO DỤC TỐT?
Lượt xem: 325

Việc trẻ nhận những lời góp ý và phê bình từ người lớn xung quanh là điều không thể thiếu trên hành trình học tập và trưởng thành của mình. Bằng cách phê bình trẻ bằng ngôn ngữ và thái độ tích cực, Phụ huynh sẽ giúp trẻ học tập từ lỗi sai, phát triển sự tự tin và thúc đẩy tiềm năng bản thân. 
Mời Phụ huynh cùng IGC Group tìm hiểu những cách để góp ý cho trẻ mang đến ý nghĩ giáo dục.

SỬ DỤNG NGÔN NGỮ TÍCH CỰC 
Khi đưa ra lời góp ý, Phụ huynh nên tập trung vào việc khích lệ và động viên trẻ thay vì chỉ trích. Ví dụ, thay vì nói “Con làm sai rồi”, Phụ huynh hãy thử nói “Con có thể làm tốt hơn nếu thử lại”. Điều này giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và thúc đẩy tinh thần cố gắng, cũng như tránh tình trạng trẻ “sợ sai” và trở nên rụt rè, không dám thử những điều mới. 

KHÔNG "DÁN NHÃN" TRẺ 
"Dán nhãn" làm giảm đi sự tự tin và động lực của trẻ. Việc gọi trẻ bằng những từ như "lười biếng”, "nghịch ngợm”, "kém thông minh” không mang lại lợi ích mà còn gây tổn thương về mặt tâm lý. Phụ huynh nên tập trung vào hành vi cụ thể của trẻ để đưa ra lời góp ý và khuyến khích trẻ thay đổi. 

GÓP Ý ĐÚNG NƠI, ĐÚNG VIỆC 
Nếu bị phê bình trước mặt người khác, trẻ có thể bị cảm giác xấu hổ lấn át và không để tâm đến những lời nhận xét. Phụ huynh nên chọn thời điểm riêng tư và thoải mái để trao đổi, giúp trẻ dễ dàng tiếp thu và hiểu ra vấn đề. Đồng thời, lời góp ý cần phải tập trung vào một vấn đề cụ thể, tránh nói chung chung khiến trẻ không biết phải làm sao để cải thiện. 

CÙNG TRẺ NHÌN NHẬN LỖI VÀ ĐƯA RA CÁCH GIẢI QUYẾT 
Sau khi góp ý, điều quan trọng là Phụ huynh cùng trẻ nhận thức lỗi lầm và tìm cách giải quyết. Phụ huynh cần lắng nghe ý kiến của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề. Điều này không chỉ giúp trẻ học được từ sai lầm mà còn phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và chịu trách nhiệm. Ví dụ, nếu trẻ làm hư hỏng đồ vật, Phụ huynh có thể cùng trẻ thảo luận về cách sửa chữa hoặc thay thế, và làm sao để tránh tình huống tương tự trong tương lai. 

Góp ý trẻ không chỉ là Phụ huynh chỉ ra sai lầm mà còn là cơ hội để giáo dục và định hướng cho trẻ. Việc góp ý trẻ đúng cách là động lực để trẻ trưởng thành, trở thành người có trách nhiệm và lòng nhân ái trong tương lai.    

Nguồn: Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em  

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Gửi nhận xét
GỬI ĐÁNH GIÁ CỦA BẠN
Đánh giá
Gửi