5 QUY TẮC KHEN NGỢI TRẺ ĐÚNG CÁCH
Lượt xem: 227

Lời khen luôn đem lại cảm giác hạnh phúc cho con trẻ. Việc khen ngợi giúp trẻ cảm thấy được ghi nhận, được tôn trọng và yêu thương. Quan trọng hơn, việc khen ngợi khi trẻ làm việc tốt sẽ giúp củng cố những hành vi đó và tạo thành thói quen tốt.  

Vậy, khen ngợi trẻ như thế nào và khen trong trường hợp nào là hợp lý? Cùng IGC tìm hiểu 5 quy tắc khích lệ, khen ngợi trẻ đúng cách qua bài viết dưới đây: 

KHEN NGỢI ĐÚNG NƠI, ĐÚNG LÚC & KHÔNG SO SÁNH 

Khen ngợi mang lại hiệu quả tích cực, tuy vậy, việc khen trẻ mọi nơi mọi lúc, hoặc so sánh với các bạn dễ khiến trẻ có suy nghĩ tự mãn hoặc có tư tưởng cạnh tranh, hơn thua. Thay vì khen ngợi: “Con chạy nhanh hơn bạn A, bạn B”, Phụ huynh có thể động viên trẻ: “Con đã vượt thành tích mà con đạt được hôm trước rồi, cố lên!”. Điều này sẽ giúp trẻ có động lực tiến bộ hơn mỗi ngày. 

KHEN VIỆC CÓ THẬT VÀ CỤ THỂ

“Sứ mệnh” của lời khen là tạo động lực trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ. Thay vì những lời khen chung chung như: “Con thông minh quá!”, “Con rất tuyệt vời!”, Phụ huynh nên chỉ rõ lí do khen ngợi trẻ: “Con làm toán rất nhanh!”, “Ba/Mẹ vui vì con tự giác học tập”,... Trẻ sẽ thêm tin tưởng vào khả năng bản thân và biết mình cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình. 

KHEN NGỢI HÀNH VI VÀ GỌI TÊN MỘT PHẨM CHẤT 

Việc khen ngợi, khích lệ cần hướng đến một việc cụ thể, từ đó thể hiện một phẩm chất tốt của trẻ. Ví dụ như: “Mẹ thích cách con giúp em gái. Con thể hiện sự đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau”; hoặc “Con rất tốt khi không đánh lại bạn khi bạn trêu chọc. Con rất mạnh mẽ và bình tĩnh”. 
Trẻ sẽ nhớ những phẩm chất được khen ngợi. Điều này có thể giúp trẻ thay đổi suy nghĩ của mình từ tiêu cực (như định đánh trả khi bạn trêu chọc) sang tích cực (tự trọng, bình tĩnh, kiên nhẫn). 

KHEN NGỢI MỘT CÁCH CHÂN THÀNH 

Sự yêu thương, chân thành của ba mẹ khi khen ngợi trẻ là điều khiến trẻ hạnh phúc. Trẻ có khả năng cảm nhận được sự chân thành của lời khen qua ánh mắt, thái độ và giọng nói; đồng thời học hỏi từ ba mẹ để đối xử chân thành và tôn trọng mọi người xung quanh. 

LUÔN ĐỂ LẠI CẢM XÚC TÍCH CỰC 

Phụ huynh có thể vô tình kết thúc câu khen ngợi một cách thiếu tích cực. Ví dụ như: “Hôm nay con đã quét nhà rất sạch. Ngày nào con cũng chăm chỉ như vậy có phải tốt không?”. Khi lời khen chuyển sang sắc thái chỉ trích, hoặc nhắc lại những điều chưa tốt trong quá khứ, thì những cảm xúc tích cực trẻ có được sẽ mất đi nhanh chóng. 

Với một lời khen phù hợp, Phụ huynh sẽ tiếp thêm “sức mạnh” để trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và trưởng thành hạnh phúc hơn. Hi vọng bài viết IGC sẽ giúp Phụ huynh có thêm gợi ý để khích lệ trẻ đúng cách.    

Nguổn: Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em  

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Gửi nhận xét
GỬI ĐÁNH GIÁ CỦA BẠN
Đánh giá
Gửi