Tại Tập đoàn Giáo dục IGC (IGC Group), suy nghĩ và hành động tích cực của mỗi giáo viên, học sinh có “hiệu ứng lan tỏa”, góp phần quan trọng để xây dựng những ngôi trường hạnh phúc.
Trao quyền lãnh đạo cho học sinh
Trong những năm gần đây, "Peer pressure" hay "Áp lực đồng trang lứa" là thuật ngữ phổ biến, đặc biệt là với học sinh. Theo một nghiên cứu năm 2021 thực hiện bởi Barna Group & Impact 360 Institute, có đến 2/5 người thuộc GenZ chịu áp lực cả bên trong lẫn bên ngoài, bao gồm: áp lực thành công, áp lực phải hoàn hảo, bị đánh giá bởi thế hệ trước và kỳ vọng của cha mẹ.
Trong bối cảnh này, giáo viên đóng vai trò thiết yếu trong việc giúp học sinh vượt qua áp lực, tin vào bản thân và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Bắt đầu từ sự tin tưởng và trao quyền, tại các ngôi trường IGC, thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người truyền cảm hứng để học sinh phát triển thành những công dân toàn diện và tích cực.
Đại diện Ban Giám hiệu các trường IGC Kiddy và IGC School trình bày tham luận.
Chia sẻ trong tham luận: "Hành trình kiến tạo văn hóa tích cực cho học sinh" tại Hội nghị Tổng kết niên độ 2022-2023 của IGC Group, cô Trần Thị Kim Tuyết - Phó Hiệu trưởng trường TH-THCS-THPT Thái Bình Dương (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: "Tại trường, giáo viên luôn khuyến khích và trao cho học sinh các vai trò lãnh đạo phù hợp với thế mạnh và mong muốn của học sinh. Các em tự tin trình bày quan điểm và đề xuất cải tiến mà không lo ngại bị đánh giá. Thầy cô đóng vai trò là người định hướng để các em hiểu biết và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.".
"Bằng sự lắng nghe, thấu cảm và phản hồi có trách nhiệm trước những chia sẻ của học sinh, sự ghi nhận kịp thời những tiến bộ nhỏ của các em, mỗi thầy cô góp phần giúp học sinh học tập và trưởng thành hạnh phúc", cô Ngô Phương Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non IGC Cơ sở Thống Nhất (Biên Hòa, Đồng Nai) trình bày cùng hội nghị.
Tại IGC, những vai trò lãnh đạo của học sinh được triển khai sáng tạo như: lãnh đạo truyền thông, lãnh đạo nghệ thuật, lãnh đạo xanh, lãnh đạo xếp hàng,… Học sinh phát huy vai trò của mình trong các hoạt động học tập, chủ động lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ, thiết kế và hoàn thiện báo cáo. Trong các sự kiện, học sinh tự tin đảm nhận tại các vị trí dẫn chương trình, điều phối gian hàng ẩm thực, âm thanh - ánh sáng, hướng dẫn khách nước ngoài,… Từ đó, các em nâng cao năng lực triển khai công việc, tự tin vào bản thân thông qua việc được giao trách nhiệm và tin tưởng để theo đuổi đến cùng.
Học sinh IGC phụ trách Gian hàng triển lãm Leader in Me của trường tại Ngày hội Công dân Toàn cầu 2023
Ở lứa tuổi mầm non, học sinh IGC được hình thành các thói quen và kỹ năng như tự phục vụ, chăm sóc bản thân, tham gia vào các hoạt động tập thể,… nhằm xây dựng sự tự tin và mở rộng thế giới quan cho trẻ. Đặc biệt, tình yêu thương đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình này, giúp các em tiếp thu, cảm nhận ý nghĩa tích cực một cách tự nhiên, không gò bó hay gây ra tác dụng ngược.
Lan tỏa năng lượng tích cực từ mỗi giáo viên
Để mỗi thầy cô đều cảm nhận được sự tự hào, hạnh phúc khi đứng trên bục giảng, "chỉ số tích cực" của giáo viên cũng là yếu tố cần được quan tâm đúng mực.
Chia sẻ ý kiến về góc nhìn này, cô Lê Trà My - Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Tân Phú (TP.HCM) cho biết: "Với học sinh, thầy cô là người đồng hành trên hành trình học tập, trưởng thành và hoàn thiện nhân cách. Với nhà trường, tấm gương giáo viên tích cực là người tiếp lửa, lan tỏa sức mạnh cho những đồng nghiệp xung quanh, tạo ra môi trường làm việc năng động, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau".
Thầy cô hạnh phúc góp phần bồi dưỡng những thế hệ học sinh hạnh phúc
Xác định đây là một tiêu chí quan trọng, các ngôi trường IGC triển khai các phương pháp nhằm bồi đắp năng lượng tích cực cho đội ngũ ở tất cả bộ phận. Từ những chi tiết trong phân công công việc, ghi nhận nhiệm vụ kiêm nhiệm, khen thưởng lẫn góp ý mang tính xây dựng, lương - thưởng phù hợp với năng lực và giá trị cống hiến… cho đến các chính sách phúc lợi như khám sức khỏe định kỳ, đào tạo - tái đào tạo hay đào tạo nâng cao, đào tạo nhân sự kế thừa,… tất cả đều được quan tâm và triển khai thành những hành động cụ thể.
Cô Ngô Thị Hằng Nga - Phó Hiệu trưởng trường Mầm non IGC Kiddy cơ sở Quận 3 (TP.HCM) cho biết thêm, nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyên đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cho đội ngũ, đồng thời thực hiện các khảo sát nhằm sàng lọc nguy cơ sức khỏe tinh thần của giáo viên định kỳ 2 lần/năm.
Phần chia sẻ tham luận "Khai phóng năng lượng tích cực bên trong người thầy"
Với sứ mệnh "Kiến tạo môi trường học tập hạnh phúc cho các thế hệ công dân toàn cầu" cùng sự quan tâm sâu sắc đến giá trị tinh thần lẫn vật chất, IGC nỗ lực tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp hiệu quả để mang đến cho cộng đồng một môi trường học tập hiện đại, phù hợp với xu thế. Trong đó, những trường học hạnh phúc và tích cực của IGC sẽ góp phần ý nghĩa cho nền giáo dục của các địa phương và Việt Nam.
Báo Thanh Niên