Sự phát triển của con trẻ không theo một đường thẳng tịnh tiến. Đôi khi trẻ chững lại, thậm chí lùi vài bước. Hiện tượng phát triển thụt lùi ở trẻ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ mới biết đi và trẻ mầm non. Phụ huynh cần hiểu rõ về hiện tượng thụt lùi ở trẻ để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn này.
Trong bài viết dưới đây, IGC Group gửi đến Phụ huynh những thông tin để nhận biết, hiểu và hỗ trợ con khi sự phát triển thụt lùi xuất hiện.
I. NGUYÊN NHÂN & BIỂU HIỆN
Nguyên nhân
Sự thụt lùi ở trẻ xảy ra vì nhiều lý do:
- Trẻ quá tập trung và cố gắng ở một kỹ năng nào đó nên lơ là ở một kỹ năng khác
- Trẻ choáng ngợp trước những chướng ngại xuất hiện trên con đường phát triển (ví dụ: trẻ vui thích vì biết đi nhưng rồi sợ bị ngã)
- Trẻ gặp căng thẳng (do tiêm chủng, do có người trông trẻ mới, do mẹ đi làm trở lại,…) hoặc sợ hãi (sợ bóng tối, chia cách,…)
Biểu hiện
Đột nhiên, trẻ không tiếp tục thực hiện những kỹ năng đã quen làm trước đây như tự đi tắm, tự ăn, tự vệ sinh răng miệng,… Trẻ nói chuyện “ngô nghê” hơn hay bỗng dưng tái phát vài thói quen xấu như nói cà lăm, ăn vạ,... dù đã hết từ lâu.
Thông điệp trẻ muốn truyền tải trong trường hợp này là trẻ đang cảm thấy “bất an”, không thoải mái và muốn tìm kiếm sự an toàn, muốn được ba mẹ quan tâm, chăm sóc nhiều hơn.
II. CÁCH HỖ TRỢ VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG CON
Khi trẻ bỗng dưng thụt lùi, Phụ huynh cần bình tĩnh, kiên nhẫn đồng hành cùng con để tránh con thêm áp lực và thu mình lại. Một vài gợi ý mà Phụ huynh có thể thực hiện như:
Trấn an trẻ
Cho con biết rằng con luôn được che chở và hỗ trợ. Trò chuyện để trẻ biết rằng ba mẹ để ý thấy con thụt lùi nhưng con không cần cảm thấy xấu hổ. Phụ huynh có thể hướng dẫn và thực hiện cùng trẻ các kỹ năng mà trẻ đã biết trước đây cho đến khi trẻ làm được một mình một cách thành thục.
Chơi đùa giúp trẻ vượt qua chướng ngại cảm xúc
Các trò chơi có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tư duy và ý niệm về thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng. Đồng thời, chơi là một cách để trẻ thể hiện những khó khăn mà trẻ đang gặp phải, bằng cả hành động, thái độ và lời nói. Bằng cách quan sát con chơi và chơi với con, Phụ huynh có thể biết được điều gì đang xảy ra với con mình.
Đặt ra kỳ vọng và giới hạn nhất định
Bên cạnh việc trấn an trẻ, Phụ huynh cũng cần đặt ra những kỳ vọng và giới hạn cho con. Hôm nay trẻ quấy khóc và không chịu tự đi tắm, Phụ huynh có thể đồng ý với con: “Được rồi, hôm nay ba/mẹ sẽ tắm cho con nhưng ngày mai thì con tự mình tắm như người lớn nhé.” Trẻ thường có mong muốn được giống người lớn và sẽ nhanh chóng hết các hành vi này.
Hy vọng Phụ huynh tiếp tục đồng hành cùng IGC Group trong các chủ đề tiếp theo của nội dung Bảo vệ trẻ em.
Nguồn: UNICEF